Hậu Big Shorts: Vài gạch đầu dòng.

Mục lục

Xin chào,

Tôi là Dragon991.

Sau 2 chiếc Nhật ký Big Short tập 1tập 2 với tổng độ dài >20.000 chữ, kéo dài xuyên suốt 333 ngày từ 12/08/2020 đến 10/07/2021, nay mọi thứ đã khép lại với một cái kết nặng nề.

Thắng làm vua, thua làm giặc.

Với một cái kết tệ hại như thế, lẽ ra tôi nên lẳng lặng rút lui khỏi thị trường và thậm chí đừng nên viết blog nữa kẻo những nhà đầu tư mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường đọc bài của tôi rồi bắt chước lại khổ ra. Tuy vậy, tôi rất coi trọng những gì mình nói, khi bắt đầu Big Short 1 ngày 12/08/2020, tôi có viết:

…Vào ngày tôi đóng sạch lệnh, dù phi vụ này thành công hay không, tôi cũng sẽ publish chiếc nhật ký này lên Blog Tài Chính Dragon991 của mình.

Tôi đã giữ lời khi hoàn tất 2 phần của nhật ký với chi tiết diễn biến đi lệnh cũng như phân tích tức thời tại từng thời điểm. Và giờ đây, tôi nghĩ việc tổng hợp lại những bài học – sai lầm – kinh nghiệm từ phi vụ vừa rồi là điều cần thiết sau một trải nghiệm quá dài.

Bài viết này, tôi gửi tới chính mình, của quá khứ – hiện tại – và tương lai.

0/ Tóm tắt

Cuối tháng 02/2020, thị trường chứng khoán toàn cầu sụp đổ với nỗi sợ mang tên “Đại Dịch Bệnh Covid-19” bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc. Cơn ác mộng này khiến hàng triệu người thiệt mạng, tàn phá nền kinh tế toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, và nhiều mối nguy khác từ đó có nguy cơ ập đến như chiến tranh, khủng hoảng lương thực, nạn kì thị người Châu Á,… Các Ngân hàng Trung ương đã nhanh chóng vào cuộc, có thể nói là lần phản ứng nhanh nhất trong lịch sử, để đối phó với thảm họa mấy trăm năm mới có một lần này. Hàng nghìn tỉ đô la được bơm ra dưới cái tên gói kích thích kinh tế và cứu trợ, mà phần lớn trong đó chảy vào thị trường tài chính thông qua hệ thống ngân hàng. Chứng khoán bắt đầu hồi phục mạnh mẽ, mạnh mẽ tới mức không thể tin được.

Sự bất hợp lý mà lại hợp lý đó cũng là khởi đầu cho sai lầm lớn nhất trong đầu tư của tôi tính tới thời điểm hiện tại.

Bơm tít thế cơ mà.

Trước khi bắt đầu Big Short, tôi có 14 tháng liên tục sinh lợi đều đặn 3-5%/tháng từ việc lướt sóng chỉ số chứng khoán với một hệ thống giao dịch ổn định được chính tôi hoàn thiện trong 3 năm kể từ khi tham gia thị trường tài chính. Sở hữu nhiều trăm nghìn USD trong tay, có một hệ thống giao dịch hiệu quả mang lại dòng tiền đều đặn, mọi thứ quá êm ả và lý tưởng cho một chàng trai 22 tuổi. Cho đến khi, cậu ta mắc sai lầm.

Sai lầm đó như một cú tát trời giáng, đưa tôi trở lại mặt đất.

Trong 333 ngày kể từ 12/08/2020, tôi nhận thấy có dấu hiệu bong bóng trên thị trường chứng khoán Mỹ nên đã cầm quỹ Dragon991 của mình build một lệnh Big Short với rủi ro được set trước là 20% tài khoản. Lần đầu short thành công đem lại khoản lợi nhuận 60% tài khoản, toàn bộ số lãi được rút ra hết. Tôi tiếp tục canh thị trường tăng lên và short lần hai với volume ban đầu nhỏ hơn, nhưng sau đó tăng lên thêm vì các yếu tố thị trường quá khiêu gợi, từ đây dẫn tới nhiều lần bị margin call phải bơm thêm vốn và cuối cùng là cháy tài khoản.

Tôi sẽ đúc kết lại những điều cần ghi nhớ dựa trên 4 giai đoạn, ở dạng quotes ngắn:

  1. Trước khi vào kèo
  2. Khi đang ôm kèo
  3. Giai đoạn “hấp hối”
  4. Khi đã chốt sổ

*Kèo ở đây không chỉ những lệnh lướt sóng nhỏ tuân thủ kỷ luật chặt chẽ thông thường, mà là 1 lệnh/phi vụ nào đó mà bạn xuống tiền lớn có chủ đích với kỳ vọng cao và sự tự tin cao.

1/ Trước khi vào kèo

Giai đoạn “thai nghén” kèo:

  • Thời điểm nguy hiểm nhất để ra quyết định chính là sau khi đạt một chiến thắng vẻ vang, hoặc khi đang có sự hưng phấn quá mức.
  • Xác định rõ số tiền tối đa có thể mất cho kèo đó, tính toán thật kỹ biên độ rủi ro để đi vốn cho phù hợp. TUYỆT ĐỐI KHÔNG NỚI THÊM BUDGET, bất kể chuyện gì xảy ra.
  • Phân tích kỹ mọi khía cạnh của vấn đề, tránh trường hợp bị “thiên kiến xác nhận” khi bản thân đang quá nghiêng về một lý tưởng nào đó.
  • Quyết định lớn nên xin thêm ý kiến của người cùng chuyên môn, người có thể trả lời câu hỏi của bạn một cách không thiên vị theo bất kỳ phương diện nào.

Tính toán trường hợp xấu nhất:

  • Luôn tính tới trường hợp xấu nhất, kể cả khấu hao sai lệch, vạch ra ranh giới cho việc kết thúc.
  • Hãy nghĩ tới tất cả những bên có liên quan, có liên lụy, trong trường hợp kế hoạch của bạn tan vỡ.

2/ Khi đang ôm kèo

Những cái sai tôi đã mắc phải:

  • Tôi gỡ bỏ stop-loss. Khỏi phải nói, cái này chí mạng. Keep it short: Gỡ Stop Loss là NGU!
  • Tôi “nghiện” tin tức, tìm cách xâu chuỗi tin tức sao cho hợp với “lý lẽ” của mình, từ đó nuôi một sự hy vọng đã bị bias nặng nề. Thành thực mà nói, lúc này trí tuệ càng cao càng là điểm mù lớn cho chính bạn, bởi vì khi mồi lửa niềm tin tiếp tục được nhen nhóm, bạn sẽ có khả năng nghiên cứu – đúc kết – tổng hợp và suy luận của một nhà phân tích thượng thừa, không có cái quần què gì bạn không thể lý luận ra được. Nhưng, BẠN SẼ CHỈ LUÔN TÌM RA MỘT ĐÁP ÁN, bất kể dữ kiện đầu vào bạn có là gì.

Dịch bệnh, bearish vãi, có làm ăn gì được đâu mà chứng khoán đòi tăng.

Bơm tiền, ừ thì chắc cũng tăng một đoạn đấy, nhưng tăng quá độ thì điều chỉnh còn thảm khốc hơn, lịch sử cho thấy rõ ràng, bearish vãi.

Hết dịch, á à chắc chắn là bearish vãi rồi, hết dịch còn lí do gì nữa đâu mà bơm tiền. Let the bubble popped mdfk!

Đảng Dân Chủ win, blue wave thì bullish vãi mà? Nhưng chiêm tinh học cho thấy năm nay Trump mà không win là bearish…

Bạn thấy đó, một khi đã có bias, thì việc confirm nó là vô cùng đơn giản. Giới hạn nằm trong trí tưởng tượng của bạn. Vì thế, đừng để một lý tưởng quá lớn ảnh hưởng tới quyết định của bạn ngay từ đầu.

  • Tôi hoàn toàn bị động khi áp lực tăng lên. Tôi chỉ có tí gì đó gọi là “chủ động hành động”…

…trừ khi không-còn-cách-nào-khác: Đó là khi Margin Call liên tục đáp mail, ranh giới sự sống và cái chết, cháy và không cháy, đã cận kề. Tôi còn gọi đó là giai đoạn “hấp hối”.

(Tin tôi đi, sự  hấp hối này diễn ra cả trên tài khoản lẫn trong cơ thể bạn)

3/ Giai đoạn “hấp hối”

Đoạn hấp hối này, thực ra là một hiệu ứng tâm lý mà kể cả khi bạn đang trong 1 win trade cũng sẽ xuất hiện. Đại loại, nó là đoạn mà ta cần xử lý khéo léo nếu không muốn kèo chấm dứt luôn tại bước này.

Đối với những trade đang win, đoạn này là đoạn mà phần lợi nhuận đã tương đối lớn, gần đạt target. Nhiều người tới đây sẽ suy nghĩ kiểu: “Cũng còn có một tí nữa là đạt target chốt lời rồi, gồng cả tháng nay, lỡ mai nó chưa chạm Take Profit mà đảo chiều thì tiếc lắm. Thôi mình đóng lệnh luôn”. Và thế là họ đóng lệnh và mọi thứ kết thúc ngay tại bước này. Ăn lãi ít hơn một tí, nhưng dù sao vẫn là một kèo thành công và bạn sẽ được ngủ ngon sớm hơn một ngày.

Còn trong trường hợp của tôi, đó là sự hấp hối khi tài khoản quỹ đứng trước ranh giới Cháy – Không Cháy, Cứu được – Không cứu được. Cảm giác của tôi có thể so sánh với người đi trên dây, băng qua một chiếc vực sâu thẳm, đáng sợ. Ai đọc Nhật Ký Big Short phần 2 của tôi ắt hẳn cũng nhận ra giai đoạn này của tôi kéo dài rất lâu, thậm chí tôi còn 1 lần trở về từ cõi chết (recover 1/2 tài khoản), rồi sau đó mới thực sự toang ở lần thứ 2.

Tôi xin khẳng định luôn, trong các giai đoạn diễn biến tâm lý, đây chính là giai đoạn đáng sợ nhất: Hy vọng chập chờn, kết cục thảm khốc trước mặt nhưng chưa tới, và bạn cũng đã trải qua một hành trình quá dài và mệt mỏi trước đó. Cộng lại, những hiệu ứng tâm lý này như một bản án “sớm” bạn phải trả cho hành động vào kèo quá nông nổi của mình. 

Nếu như ở giai đoạn 2, bạn tự che mắt mình, không chịu nhận sai, không có bất cứ động thái chủ động nào để xử lí trade của mình, thì ở giai đoạn 3, bạn đã biết là mình sai rồi. Ở đây, tôi đã chọn cách thử làm gì đó để thay đổi cục diện, tôi đã tính toán và tìm ra cách hedge – unhedge thật linh động để bám thật sát diễn biến thị trường với rủi ro sai lệch nhỏ nhất. Tôi nghĩ mình đã vượt qua được đoạn khó khăn khi đưa quỹ về lại đến 50% giá trị của nó. Tuy nhiên, tại sao cuối cùng tôi vẫn thất bại? Mà lại còn là THẤT BẠI KHI THỊ TRƯỜNG ĐI ĐÚNG HƯỚNG NHƯ TÔI DỰ KIẾN BAN ĐẦU – tức là sập.

  • Tôi đã quá kỳ vọng có thể từ 100 -> 1 -> 100: Khi bạn từ 100 rớt xuống 1, mức hồi phục phi thường là 10, 20, 50. Đừng quá tham lam lấy lại tất cả những gì đã mất chỉ trong một khoảnh khắc thiên tài.
  • Khi kế hoạch hiệu quả, tiếp thực hiện đúng như kế hoạch, đừng xử lý cảm tính: Tôi đã thành công với tỉ lệ hedge tổng vị thế đạt 70-90% mỗi nhịp, đáng lẽ nó vẫn tiếp tục thành công nếu tôi không tăng mức hedge lên 120-150% một cách cảm tính, và bị lỗ ngược khi thị trường sập mạnh. 
  • Luôn cố gắng ở giai đoạn này: Dù sao cũng không còn gì để mất, hãy thử lên kế hoạch tác chiến và thực hiện nó hết sức kỷ luật – lý trí. 

4/ Khi đã chốt sổ

Sau khi kết thúc một kèo dài hơi, hãy cho bản thân một khoảng nghỉ, để loại bỏ mọi cảm xúc.

Thắng đậm, cần loại bỏ sự hưng phấn, kiêu ngạo.

Thua đậm, cần loại bỏ sự bi quan, đau khổ, tự ti.

Thời gian như dòng nước sẽ làm nhòa đi mọi dấu vết của cảm xúc. Đừng ngay lập tức bắt đầu với một chuyến hành trình mới, quyết định của bạn sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những gì vừa trải qua.

Đối với cá nhân tôi, khi sự thất bại của Big Short 2 ngã ngũ, tôi có bị shock nặng nề ngay tại thời điểm đấy, nhưng tôi nhanh chóng cảm thấy bản thân đã được giải thoát khi một cái sai đã tới hồi kết.

Anyway, tôi sẽ không recommend gì thêm ở giai đoạn này, bởi tôi biết mình cũng chỉ đang thực hiện những thí nghiệm đó trên chính cuộc đời của mình.

Maybe I’ll reveal, someday.

Thân,

Dragon991